01

06 / 2023

Thành Lập Doanh Nghiệp Mới (Startup)

Thành Lập Doanh Nghiệp Mới (Startup)

  • tong Law Office
  • 0 bình luận

Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới (startup) gồm các bước:

Bước 1: Chọn loại hình công ty

Bước 2: Xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh

Bước 6: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 7: Khắc con dấu của công ty

Bước 8: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

 

Bước 1: Chọn loại hình công ty

Hiện nay có 5 loại hình doanh nghiệp hiện hành được Luật Doanh nghiệp công nhận, bao gồm:

  1. Công ty TNHH 1 thành viên;
  2. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
  3. Công ty cổ phần;
  4. Công ty hợp danh;
  5. Doanh nghiệp tư nhân.

Bước 2: Xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh

  • Tên công ty

Căn cứ theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 và hướng dẫn bởi Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số điều sau đây khi đặt tên cho doanh nghiệp:

Tên công ty là tên tiếng Việt bao gồm 2 thành tố: Loại hình công ty và tên riêng.

Tên công ty không được trùng hay dễ gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác.

Không được sử dụng tên của tổ chức chính trị xã hội, tên cơ quan nhà nước để đặt cho doanh nghiệp.

Không được sử dụng các ký hiệu, từ ngữ vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa và lịch sử Việt Nam.

  • Địa chỉ đặt trụ sở doanh nghiệp

Căn cứ theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp phải được đặt tại lãnh thổ Việt Nam và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.

  • Vốn điều lệ công ty

Căn cứ theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu loại hình doanh nghiệp được lựa chọn là công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty TNHH thì tổ chức, cá nhân sở hữu phải xác định số vốn điều lệ.

Với công ty cổ phần: Vốn điều lệ chính là tổng số cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp.

Với công ty hợp danh hoặc công ty TNHH: Vốn điều lệ là tổng số tài sản do chủ sở hữu và các thành viên trong công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập.

Doanh nghiệp có thể kinh doanh bất cứ ngành nghề nào mà không bị pháp luật cấm. Nghĩa là, các tổ chức, cá nhân cần loại trừ những lĩnh vực mà pháp luật không cho phép kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến danh sách những ngành nghề bị hạn chế đầu tư khi kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Căn cứ theo Điều 19,20,21,22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy vào từng loại hình công ty mà hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:

(1) Đối với doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ đăng ký gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

(2) Đối với công ty hợp danh, hồ sơ đăng ký gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên.

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

(3) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, hồ sơ đăng ký gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

(4) Đối với công ty cổ phần, hồ sơ đăng ký gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, các cá nhân, tổ chức,người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh theo một trong các phương thức sau đây:

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;

- Nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử.

 

Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh

Song song với việc nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức, cá nhân còn phải nộp lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. Căn cứ theo khoản 37 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh, hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh, hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

 

Dưới đây là mức lệ phí cụ thể, căn cứ theo Thông tư 47/2019/TT-BTC:

 

STT

Tên lệ phí

Mức lệ phí (đồng/lần)

1

Chi phí đăng ký kinh doanh

50.000

2

Chi phí công bố thông tin

100.000

 

Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp;

Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Bước 6: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Căn cứ theo khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành xem xét và thẩm định để cấp Giấy thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ được cấp nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

  • Lĩnh vực kinh doanh không bị cấm.
  • Tên công ty đúng theo quy định.
  • Hồ sơ đăng ký kinh doanh đầy đủ, hợp lệ.
  • Nộp đầy đủ lệ phí theo quy định.
  • Bước 7: Khắc con dấu của công ty

Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các công ty cần thực hiện khắc con dấu để sử dụng trong giao dịch (con dấu có thể thay bằng chữ ký số).

Căn cứ theo Điều 43 của Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp có thể tự quyết định số lượng, hình thức, loại và nội dung cho con dấu.

Mẫu đơn xin cấp con dấu mới, công văn đề nghị cấp dấu công ty thực hiện theo Nghị định 99/2016/NĐ-CP  quản lý sử dụng con dấu

Bước 8: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới và được cấp giấy chứng nhận, các công ty cần tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020.

Về các nội dung cần công bố

Bao gồm Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, cùng các thông tin như sau:

Lĩnh vực kinh doanh

Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với loại hình công ty cổ phần (nếu có).

Về thời gian công bố

30 ngày kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tiếp theo: Các Nội Dung Cơ Bản Vận Hành Một Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ

Hỗ trợ miễn phí ngay Hotline: 0977.555.775

Tổng hợp PQLAW Team.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: